Những sáng kiến độc đáo từ lòng đất

“Tôi cũng không nhớ mình có bao nhiêu sáng kiến – anh Nguyễn Trọng Thái gãi đầu – Năm ít thì tôi có hai, ba sáng kiến, năm nhiều hơn chục cái”. Thái cười, nheo nheo đôi mắt người quen nhìn trong bóng tối hầm lò.

 

Anh Nguyễn Trọng Thái (giữa) và đồng nghiệp tìm phương án cải tiến kỹ thuật hầm lò

 

Nguyễn Trọng Thái là đội trưởng đội kiến thiết mỏ số 1 – Công ty CP than Hà Lầm (Quảng Ninh) 26 năm. Ngót 1/3 thời gian người công nhân này làm việc dưới hầm. Anh cũng là người đầu tiên đặt chân đến mốc -300m, mức khai thác sâu nhất đến giờ của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (Vinacomin).

Cứ gặp khó là có sáng kiến

Tổ công nhân anh Thái phụ trách có mức thu nhập bình quân từ 16 triệu đến hơn 25 triệu đồng mỗi tháng, gấp 3 mức thu nhập bình quân của công ty. Đồng nghiệp anh nói đây là thu nhập xứng đáng cho những người đào hầm giỏi nhất ngành than trong nước.

Cán bộ văn phòng Công ty CP than Hà Lầm Đào Quang Việt nhẩm tính mỗi năm tổ công nhân này đào hơn cây số hầm lò. “Không phải vì sức khỏe hơn người mà vì ông này (anh Thái) luôn có sáng kiến. Ông ấy đổi cả chu kỳ đào lò hai lớp, cắt cả tay máy xúc để nối dài ra rồi đến cả việc tiết kiệm giấy in công văn. Mà hiệu quả chính là năng suất ấy, tính toán được” – anh Việt kể.

Tháng trước bộ phận văn phòng chuẩn bị hồ sơ mới tổng hợp: Thái có 96 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, giá trị làm lợi trên 10 tỉ đồng. “Tôi may mắn vì công ty rất trân trọng sáng kiến. Không phải chỉ mình tôi mà ai cũng vậy. Sáng kiến nhỏ thì được thưởng 500.000 đồng, còn sáng kiến lớn thì thưởng mười mấy triệu. Ai cũng thích” – anh nói.

Mười năm trước, trên đường về nhà, đoạn đường bụi mù mịt vì đang sửa, thấy một ông rửa xe máy cầm vòi nước phụt tứ tung ra đường. Thái vồ lấy điện thoại gọi cho tổ trưởng tổ cơ điện. “Mai anh xin công ty cái máy rửa xe giúp em nhé. Em dập bụi ở hầm, bụi quá, anh em không thở nổi!”. Anh tổ trưởng gật đầu cái rụp! Mấy chục thợ mỏ từ thợ đào đến thợ điện, thợ cơ khí ai cũng khiếp đường hầm gió thải lúc bấy giờ.

Đường gió thải là một đường hầm khá lớn, cao nhất của khu mỏ. Ở hầm này, toàn bộ luồng gió nóng trong hệ thống hầm qua đây để có không khí đối lưu trong mỏ. Gió cuốn bụi than phun ra như chiếc ống khói khổng lồ. Tổ kiến thiết nói Thái làm việc phải thường xuyên chui vào cái “ống khói” ấy để bảo dưỡng.

Mấy hôm sau, nhóm công nhân khệ nệ khiêng máy rửa xe đến thử. Họ lắp một đường ống dài, đặt nhiều van phun sương rồi bơm nước. Mỗi cái máy bơm ấy dập bụi cho cả đoạn đường hầm 200m. Cả nhóm thợ đào, thợ cơ khí bắt tay nhau cười lem luốc.

Thế nhưng khi ấy mỏ chưa có nước. Thử nghiệm thì tốt đấy, nhưng đưa ra phòng kỹ thuật “tuýt còi” vì máy bơm dùng động cơ không phòng nổ. Chỉ cần một sự cố rò khí gas trong hầm lò là chiếc máy bơm sẽ thành mồi lửa biến hầm lò thành quả bom khí khổng lồ.

Không nản chí, anh Thái đề nghị thay động cơ thường bằng động cơ phòng nổ, lắp đường ống dẫn nước cho hệ thống. Thế là cái “ống khói” hầm khí thải được dập, công ty lại cho lắp đặt nhiều máy khác ở tất cả các hầm, công nhân không còn lem luốc trong đám bụi mịt mù, nóng hầm hập dưới lòng đất.

“Chỉ có điều nước lấy tại mỏ nhiều axit nên hệ thống nhanh hỏng. Sau này công ty cải tiến, phát triển thêm, lắp đặt cả hệ thống nước chung cho mỏ mới giải quyết được. Hai mươi năm rồi, cả tập đoàn giờ vẫn dùng hệ thống dập bụi đó” – anh Thái mỉm cười.

Những sáng kiến độc đáo từ lòng đất

Anh Thái là người đầu tiên đặt dấu mốc -300m, mức khai thác sâu nhất của Tập đoàn Than – khoáng sản VN – Ảnh: Công ty CP than Hà Lầm

 

Phá đồ “zin” để làm lợi cho công ty

“Có sáng kiến nào anh bị phản đối không?” – tôi hỏi. “Có chứ, chính sáng kiến cắt tay máy xúc để nối dài ấy. Tôi mất ba tháng “đấu tranh” mới thành công đấy” – anh Thái cười cho hay.

Chiếc máy xúc anh kể là hệ thống máy xúc nhập ngoại. Họ thiết kế để khai thác mỏ bằng, còn về nước ta lại dùng nó để xúc than từ hầm dốc ra. Cứ mỗi gầu xúc, gần một khối từ trong hầm ra băng chuyền bị rơi vãi mất một phần tư. Công nhân luôn phải trực vừa xúc từ trong hầm ra, vừa xúc than rơi vãi cho lên băng chuyền.

“Tôi thấy nếu nối tay máy xúc dài thêm năm mươi phân thì không cần công nhân dọn dẹp nữa. Nhưng không ai đồng ý. Phòng kỹ thuật không cho phép tôi cắt cái tay máy xúc cả đống tiền ra, không được phép thay đổi thiết kế của nhà sản xuất” – anh Thái kể mình giữ quan điểm đến cùng, sau này sáng kiến đó lại được chọn làm sáng kiến tiêu biểu. Chiếc máy nào nhập về cũng cắt phéng tay “zin”, nối dài ra mới đưa vào khai thác.

“Thú thật tôi không nhớ mình có bao nhiêu sáng kiến nữa. Năm ít thì có vài ba cái, có năm tôi có hơn chục sáng kiến. Đây là tôi chỉ nói đến những sáng kiến được áp dụng. Mọi sáng kiến đều từ thực tế công việc mà ra cả” – anh Thái bộc bạch. Đóng góp của anh xứng đáng là một trong những người được phong Anh hùng lao động.

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *